Tư vấn sử dụng củ gai an thai

Những điều mẹ bầu cần biết về sinh mổ

Tỷ lệ sinh mổ đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Trung bình cứ 100 trẻ sinh ra thì có gần 40 trẻ sinh ra bằng phương pháp mổ. Thông thường sau khi sinh mổ, mẹ sẽ được giữ lại từ ba ngày đến một tuần tại bệnh viện để tiện theo dõi. So với sinh thường, việc chăm sóc và hồi phục sau khi sinh mổ đòi hỏi mẹ phải chú ý hơn nhiều

1. Những lí do mẹ bầu phải sinh mổ


1.1. Đặc điểm bà mẹ


- Nhóm phụ nữ sinh con đầu lòng, trên 35 tuổi.

- Thai phụ mắc những bệnh lý như thiếu máu, tim mạch, huyết áp cao, hen phế quản, tiểu đường, nhiễm độc thai nghén…

- Tử cung hoặc khung xương chậu có điểm bất thường.

- Người có tiền sử sinh mổ.

sinh mo

1.2. Đặc điểm của thai nhi


- Nhau tiền đạo: Khi nhau thai ở dưới thấp trong tử cung của người mẹ và cản đường đi của thai nhi.

- Thai nhi quá lớn không qua được khung xương chậu.

- Bé nằm ngang, ngược (ngôi thai bất thường).

- Sa dây rốn: Dây rốn rơi về phía trước và cản trở bé.

Ngoài ra còn có các yếu tố khác như vỡ tử cung, chuyển dạ kéo dài, thai quá ngày, song thai hoặc đa thai…

1.3. Những lí do phải mổ cấp cứu 

Trong quá trình có những dấu hiệu chuyển dạ để sinh thường, nếu sự việc không tiến triển bình thường và có vấn đề xảy ra thì bác sĩ có thể quyết định cho bạn chuyển qua sinh mổ nhằm giảm thiểu rủi ro cho mẹ và bé. Lý do sinh mổ trong trường hợp này thường bao gồm:


  • Em bé có dấu hiệu mệt mỏi trong quá trình mẹ chuyển dạ, và cần phải được nhanh chóng đưa ra ngoài
  • Tình trạng sức khỏe của mẹ suy giảm trong quá trình chuyển dạ (cụ thể như tăng vọt huyết áp, kiệt sức, tiền sản giật, sản giật hoặc những lý do khác)
  • Các vấn đề hiếm gặp nhưng thật sự nghiêm trọng như sa dây rốn (dây rốn bị chèn ép và nguồn cung cấp oxy cho bé bị ngắt), hoặc vỡ tử cung
  • Trong quá  trình chuyển dạ, em bé di chuyển vào một vị trí mà nếu sinh qua ngã âm đạo sẽ gây khó khăn và nguy hiểm cho mẹ và bé
  • Thời gian chuyển dạ kéo dài mà không có dấu hiệu tiến triển tốt
  • Khi biện pháp giục sinh không có kết quả


2. Những gì diễn ra khi sinh mổ


Trước khi mổ, bạn sẽ được làm sạch vùng bụng nơi bác sĩ sẽ thực hiện các vết mổ (thường là vùng quanh đường bikini) để phòng ngừa viêm nhiễm có thể gây ra bởi  vô số vi khuẩn sống trên bề mặt da của bạn. Bạn sẽ được gây tê ngoài màng cứng hoặc gây mê toàn thân. Sau đó, bạn sẽ được gắn ống truyền nước biển (thường là trong khoảng 24 tiếng đồng hồ) để duy trì cho cơ thể không bị mất nước, và một ống thông vào niệu đạo để dẫn thoát nước tiểu (thường sẽ cần cho khoảng 8 tiếng đồng hồ). Trong trường hợp thật sự khẩn cấp thì các việc cần chuẩn bị cho ca mổ​​ có thể được triển khai chỉ trong vòng vài giây.

Thông thường thì bạn sẽ ở trong phòng mổ lâu nhất là một tiếng đồng hồ. Chỉ trừ khi phải mổ cấp cứu, thường thì người chồng sẽ được khuyến khích ở bên cạnh bạn khi bạn lâm bồn (và tất nhiên sẽ cần tuân theo một số quy định của phòng mổ và mặc thêm áo khoác vô trùng).

Bác sĩ sẽ thực hiện một đường cắt vào vùng bụng (thường là ngang đường bikini, vào trong phần dưới của tử cung). Em bé được nâng đầu đưa ra qua vết rạch, thường là với sự hỗ trợ của kẹp, và nước ối từ mũi và miệng của bé sẽ thoát ra trước khi người bé được nâng lên hoàn toàn.

Các thao tác đưa em bé ra ngoài diễn ra khá nhanh, trong khoảng 5 đến 10 phút đầu tiên. Sau đó, nhau thai được lấy ra và bạn sẽ được tiêm oxytocin để giúp tử cung co lại và hạn chế mất máu. Phần lớn thời gian của ca mổ là dành cho giai đoạn khâu vết mổ ở tử cung và các lớp khác nhau của mô bụng, cơ và da.

Các em bé sinh bằng phương pháp mổ thường có đầu tròn đẹp hơn so với các bé sinh thường. Tuy nhiên, do không thể tống thải hết lượng chất lỏng từ phổi nhờ vào áp lực phải chịu khi di chuyển qua đường sinh nở thông thường, nhiều em bé sinh mổ có một lượng chất lỏng và nhầy dư thừa trong phổi, và do vậy cần phải được hút ra để giúp bé bắt đầu thở. Tuy nhiên, đây thường không phải là vấn đề phải lo lắng về sau.

Sau khi mổ, bạn sẽ được gắn ống để dẫn các dịch thải từ vết thương ra bên ngoài. Bác sĩ khuyến khích bạn cố gắng ngồi dậy và đi bộ nhẹ nhàng trong vòng 8 đến 12 giờ đồng hồ để giúp cơ thể bạn phục hồi nhanh hơn đồng thời để ngăn chặn các hiện tượng máu đông.

Cũng giống như sinh thường, bạn sẽ bị ra máu âm đạo nhiều trong vài tuần sau khi mổ. Việc này là do tử cung bắt đầu thải các tế bào máu đã được tích lũy để bảo vệ em bé trong suốt thai kỳ.

Hầu hết các bệnh viện thường khuyên bạn ở lại 4 - 5 ngày sau khi sinh mổ. Tuy nhiên thực tế thời gian này có thể ngắn hơn nếu thấy bạn không có vấn đề gì khác thường.

3. Sau sinh mổ, mẹ cần làm gì?


Vận động nhẹ nhàng

Tuy là sau khi sinh mổ mẹ sẽ rất mệt mỏi nhưng mẹ cũng đừng nằm quá lâu trên giường nhé! Nằm lâu trên giường sẽ làm sản dịch bị ứ đọng trong tử cung, gây nguy hiểm. Vì vậy thời gian đầu sau khi mổ, ngoài việc nghỉ ngơi mẹ cũng nên kết hợp với động tác vận động nhẹ nhàng. Một ngày sau khi mổ, mẹ nên ngồi dậy, vận động tay chân và đi lại trong phòng. Những vận động này còn giúp vết thương mau lành, tăng cường nhu động ruột, tránh nguy cơ dính ruột.

Bắt đầu với những động tác co duỗi tay chân rồi đến việc đi lại trong phòng sau đó mẹ có thể thử đi tới lui trong hành lang bệnh viện. Sau khi về nhà, mẹ cũng nên duy trì những hành động nhẹ nhàng. Tuy nhiên, như mọi người thường nói, phụ nữ sinh xong như con cua mới lột, mong manh và yếu ớt lắm, mẹ nên hạn chế vận động mạnh ảnh hưởng đến vết thương. Có thể nhờ những người thân trợ giúp trong công việc nhà và đừng nên cầm vật gì có trọng lượng lớn hơn trọng lượng của bé, mẹ nhé!

Ăn uống

6 tiếng sau khi mổ, mẹ không nên ăn uống bất cứ thứ gì vì thời gian này chức năng đường ruột bị hạn chế, đường ruột ứ đọng nhiều khí. Việc đưa thức ăn vào cơ thể lúc này có thể gây đầy hơi, táo bón khiến việc hồi phục kéo dài.
Sau khi đào thải lượng khí ra ngoài, mẹ có thể bắt đầu ăn uống lại. Mẹ nên chú ý chọn những thức ăn mềm, lỏng thôi nhé! Do ảnh hưởng của thuốc gây tê, từ 3-5 ngày sau khi mổ, mẹ vẫn bị tình trạng táo bón nhưng nó sẽ hết ngay sau đó thôi, mẹ không cần quá lo lắng. Chú ý bổ sung thêm các vitamin A, B, C trong các bữa ăn hàng ngày vì các loại vitamin này có tác dụng làm giảm tình trạng viêm nhiễm vết mổ. Viatmin K và các chất như canxi, kẽm, sắt, đồng và protein cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cầm máu, tạo máu và làm lành vết thương. Ngoài ra, mẹ nên chú ý uống thêm nhiều nước nhé! Nhưng nhớ đừng uống nước lạnh vì chúng sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn.

Chăm sóc vết mổ

Làm theo những gì bác sĩ dặn và nhớ đừng tự ý bôi thêm bất cứ thứ gì đặc biệt lên vết thương nhé, việc này rất có thể làm vết thương bị nhiễm trùng đấy. Chú ý giữ sức khỏe cẩn thận, tránh các trường hợp bị bệnh vì khi đó sức đề kháng của cơ thể sẽ giảm, nguy cơ viêm nhiễm sẽ tăng lên đấy.


4. Một số lưu ý khi lựa chọn biện pháp sinh mổ


Ngày nay, không ít người mẹ chọn phương pháp sinh mổ để quyết định “ngày đẹp, giờ vàng” cho bé ra đời hoặc vì lý do sợ đau, sợ bị giãn âm đạo khi sinh thường. Tuy nhiên, người mẹ phải hết sức thận trọng khi quyết định cách sinh này. Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, sinh mổ làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu cho lần mang thai sau.

Sinh mổ sẽ tránh cho người mẹ những cơn đau khi chuyển dạ, tuy nhiên, những thủ thuật sau đó lại khiến người mẹ bị đau hơn nhiều.

Những nguy cơ khi sinh mổ như, tai biến khi gây tê, vết mổ bị rách, chảy máu, tổn thương đường tiết niệu, nhiễm trùng, băng huyết… đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người mẹ. Đặc biệt, nhiễm trùng mổ có khả năng gây hoại tử cổ tử cung. Nguy hiểm hơn, sinh mổ còn khiến người mẹ có thể bị tắc ruột, tắc ống dẫn trứng, gây vô sinh thứ phát…

Ngoài ra, sinh mổ cũng buộc người mẹ phải dùng kháng sinh trong khoảng thời gian cho bé bú sau đó. Điều này sẽ khiến chất lượng sữa của giảm sút, thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bé.

Những bé sinh mổ có nguy cơ suy yếu hệ miễn dịch và hô hấp lớn hơn nhóm bé được sinh thường.

Previous
Next Post »

Bản đồ