Đây có thể là một giai đoạn đặc biệt trong thai kỳ của bạn.
Bạn cũng chưa nặng nề đến nỗi đi lại khó khăn nhưng rõ ràng mọi người có thể
nhìn thấy bạn đang mang thai. Trong giai đoạn này, các mẹ đặc biệt chú ý đến việc
bổ sung DHA để giúp tế bào não và thần kinh bé phát triển.
1. Những thay đổi của mẹ bầu
a. Những thay đổi về mặt thể chất
- Sang tuần thai thứ 29, bụng của bạn càng lớn hơn, làm xuất
hiện ngày càng nhiều vết rạn da. Nhiều bà bầu cũng bị rạn da trong ba tháng cuối
thai kỳ và cũng chẳng thể làm gì được mấy. Bạn hãy để ý sao cho cơ thể không
tăng cân quá mức được khuyên là 10-12 kg. Bạn sẽ thấy, nếu khi mang thai không
tăng cân quá nhiều thì sau khi sinh, bạn sẽ dễ lấy lại vóc dáng cũ hơn nhiều.
- Bạn bây giờ có thể thấy nhịp thở ngắn lại, đặc biệt khi
đang có việc gì gấp gáp. Hãy chú ý tư thế của mình và thở càng sâu càng tốt. Bé
ngày càng lớn, vì thế bạn cảm giác bụng mình ngày càng đầy và chật chội, nhưng
chỉ một hành động đơn giản như ngồi thẳng lưng và ưỡn ngực có thể làm bạn thấy
như có thêm vài centimet được nới giãn ra ở vùng bụng.
- Vào tuần thai thứ 29 sữa non có thể chảy rỉ ra ở đầu ti bạn.
Sữa non màu vàng nhạt và trong suốt này là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho trẻ sơ
sinh. Nếu bạn đã có con đầu lòng thì lúc này sẽ có nhiều sữa non hơn những người
mới có con lần đầu. Một vài người đôi khi phải dùng thêm miếng lót thấm sữa bên
trong áo ngực. Nếu bạn mặc áo màu tối, thì khi sữa chảy ra sẽ rất dễ nhìn thấy.
- Lúc này lượng sắt trong cơ thể bạn có thể cạn kiệt vì thế
bạn rất cần bổ sung sắt. Cơ thể bạn cũng cần Vitamin C để giúp hấp thụ sắt, vì
thế bên cạnh việc bổ sung lượng sắt, bạn hãy ăn nhiều hoa quả tươi và nước ép.
Thịt đỏ, các loại rau có lá xanh, ngũ cốc chất lượng tốt, hoa quả khô và các loại
đậu là những nguồn cung cấp sắt lý tưởng.
b. Thay đổi về mặt tinh thần
- Ngày sinh đang đến gần. Tâm trạng hơi hồi hộp được xem là
rất bình thường, nhưng nếu quá lo lắng hoặc sợ hãi chuyện sinh nở, bạn nên nói
ra với một người nào đó. Cảm giác sợ hãi sẽ làm tăng nội tiết tố Cortisol trong
cơ thể bạn. Hàm lượng Cortisol ít thì sẽ không có vấn đề gì nhưng nếu lượng nội
tiết tố này quá cao và kéo dài quá lâu sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe do căng
thẳng. Bác sĩ có thể giúp bạn những lời khuyên bổ ích để bạn thực hiện và bớt
lo lắng.
- Bạn có thể cảm thấy bối rối trước những thông tin dường
như trái ngược nhau. Khó mà chọn được đâu là điều phù hợp với bạn, đâu là điều
phù hợp với những người thân trong gia đình, và đây không phải là vấn đề có thể
giải quyết một sớm một chiều được. Nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy bối rối nhất khi
bé yêu vừa chào đời, vì vào thời điểm đó, ai cũng khao khát làm tất cả mọi thứ
đúng đắn nhất cho con.
2. Sự phát triển của thai nhi
Bạn đã bước vào giai đoạn thứ 3, cũng là giai đoạn cuối cùng
của thai kỳ. Hệ miễn dịch của em bé lúc này đã được hình thành. Bé có thể mở mắt
và quay đầu ra phía có nguồn sáng phát ra liên tục. Bé cũng nghe rõ những điều
bạn nói, vì thế hãy cho bé nghe nhạc, đọc sách cho bé nghe để thêm gắn kết tình
cảm và rèn luyện thính giác cho bé.
Các móng tay, chân đang mọc và lớp mỡ dưới da bắt đầu hình
thành, chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình bé rời khỏi bụng mẹ. Vào tuần này, bé nặng
hơn 1,1kg và “cao” khoảng gần 39cm. Cho đến khi ra đời, bé có thể tăng gấp đôi
hoặc thậm chí gấp ba trọng lượng.
Ở tuần thai này bé trông như 1 em bé đủ tháng. Bé tròn trịa
ra một cách đáng yêu. Bề mặt của da mịn màng và xanh hơn vì chất béo bắt đầu
phát triển. Chất béo này là yếu tố quan trọng giúp bé giữ ấm cơ thể. Bé cũng bắt
đầu có lông mi và có thể chớp mắt nữa đấy.
Tuần này đánh dấu một sự kiện quan trọng cho sự phát triển
não bộ của bé: não đã phát triển đến mức nó có thể giúp cơ thể điều hoà thân
nhiệt. Dĩ nhiên, bé chưa thể tự làm điều đó một mình, bé vẫn cần độ ấm của cơ
thể mẹ để giúp bé ấm áp cho đến khi chào đời.
Bé cũng tiếp tục phát triển tế bào thần kinh trong não bộ.
Ngay giây phút bé chào đời thì trong não đã có hàng trăm tỷ tế bào thần kinh.
Nghe có vẻ nhiều nhưng bé cần dự trữ vì não sẽ không sản sinh chúng nữa sau khi
sinh.
Nhau thai tròn và bằng phẳng như một chiếc bánh giúp cung cấp
ôxy và chất dinh dưỡng cho bé cũng tiếp tục lớn hơn. Em bé của bạn có thể đã
quay đầu (ngôi thuận) để chuẩn bị cho việc sinh nở. Ngay cả nếu bé vẫn đang ở
ngôi mông (ngôi ngược) thì bé vẫn còn thời gian để xoay lại.
3. Lời khuyên cho tuần này
- Từ giờ trở đi, bạn cần khám thai thường xuyên hơn. Rất có
thể bạn cần gặp bác sĩ hàng tháng để đánh giá sự phát triển của bé và kiểm tra
tình trạng của mình. Những lần khám này có thể rất thú vị ngay cả khi bạn thấy
dường như có nhiều thông tin lặp đi lặp lại. Tuy vậy, các thông tin này là vô
cùng quan trọng, và hãy nhớ là kể từ tuần này bạn không nên giãn thời gian giữa
các lần khám.
- Ăn nhiều cá tươi. Axit béo Omega-3 sẽ tác động trực tiếp
vào mắt và não bộ của bé, nên những loại cá nhiều dầu như cá mòi, cá hồi và thậm
chí cả tôm là những nguồn thực phẩm rất tốt. Hằng ngày bạn cũng nên ăn một chút
các loại hạt, bơ động vật, bơ thực vật cả một chút váng sữa.
- Nếu bạn làm công việc văn phòng hoặc phải ngồi một chỗ
trong nhiều giờ liền, hãy cố gắng đứng dậy, đi lại một chút sau mỗi tiếng đồng
hồ. Đi bộ sẽ giúp lưu thông máu ở hai chân, vì vậy bạn nên đi bộ tập thể dục hằng
ngày, thậm chí đi quãng dài và hơi dốc để tập cho nhịp tim của bạn tăng lên một
chút.
- Bạn cần chú ý đến các cử động đạp của bé. Bạn không cần phải
ghi chép lại trừ phi bác sĩ yêu cầu. Nhưng nhìn chung, nếu bạn biết rõ về các cử
động đạp của bé yêu thì sẽ dễ cảnh giác hơn nếu bỗng nhiên bé yêu ít đạp hẳn
đi.
Hãy đánh dấu ngày dự sinh của bạn trên lịch mang thai và so
sánh trường hợp của bạn với các thông tin trên lịch.
- Đừng nằm ngay sau khi ăn, ít nhất là 1 - 2 giờ sau bữa ăn
mới nên nằm nghỉ, như thế sẽ giúp cải thiện chứng táo bón thai kỳ. Khi ngủ bạn
nên tìm một chiếc gối để gác chân thì mẹ sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
CÁC BÀI VIẾT HỮU ÍCH:
Sign up here with your email