Tư vấn sử dụng củ gai an thai

MANG THAI TUẦN THỨ 21


Thai nhi 21 tuần tuổi trong quá trình mang thai, bé đã nặng gần 450g với các đường nét trên khuôn mặt như môi, mắt, lông mày đã trở nên rõ ràng hơn. Các mẹ luôn đảm bảo bổ sung đủ chất sắt cho cơ thể vì bé lúc này rất cần để tạo hồng cầu.

1. Những thay đổi của mẹ bầu

a. Những thay đổi về mặt thể chất

- Lúc này bụng của bạn đã nhô lên và thật khó giấu chuyện bạn đang có thai. Mọi người sẽ chú ý đến bạn nhiều hơn, một vài người có thể thắc mắc và thậm chí còn hỏi có phải bạn đã có thai không.
- Bạn sẽ có cảm giác như thể bàn tay mình đang bị kim chích. Thông thường, đây là do hội chứng ống cổ tay (hội chứng đường hầm) do nghẽn dịch quanh các dây thần kinh ở cổ tay, gây tác động lên các ngón tay cái và trỏ. Biện pháp vật lý trị liệu và mang nẹp tay có thể hạn chế cảm giác đau đớn và tê bì.
- Một vấn đề nữa của giai đoạn này là chứng đau đầu, có thể không thường xuyên vào lúc này nhưng sẽ tăng trong vài tuần tới. Thủ phạm vẫn là hoóc môn thai sản. Vì thế đừng để cơ thể bị mất nước hay quá nóng. Khi đau đầu, bạn hãy nằm thư giãn trong một căn phòng tối và đắp một chiếc khăn mát lên mắt, hoặc ăn một chút thức ăn nhẹ. Tuy nhiên nếu đột nhiên bạn đau đầu dai dẳng kèm theo thị lực bị ảnh hưởng thì bạn nên tìm đến bác sĩ ngay.
- Dịch âm đạo cũng sẽ ra nhiều hơn. Trong suốt thai kỳ, dịch âm đạo thường lỏng, màu trắng hoặc trong và không mùi. Nhiều thai phụ vì vậy dùng băng vệ sinh hàng ngày. Tuy nhiên, điều này lại dễ khiến vi khuẩn phát triển, vì thế nếu bạn thấy ngứa và nóng rát mỗi lần tiểu tiện, hãy đến gặp bác sĩ. Thường thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị nấm.
- Bạn cũng sẽ bắt đầu cảm nhận những cơn co thắt không đau chủ yếu diễn ra ở phần trên của tử cung. Nếu đặt tay lên bụng, bạn có thể cảm nhận được những cơn co thắt này sau khi tập thể dụng, cúi gập người hay quan hệ tình dục, hoặc thậm chí khi bạn chẳng làm gì mấy. Đó chỉ là cơ thể bạn đang thực tập để chuẩn bị cho cơn chuyển dạ thật sự về sau.

b. Những thay đổi về tinh thần

- Bạn sẽ có cảm giác háo hức và hồi hộp. Cảm giác gắn kết giữa bạn và bé ngày càng rõ nét hơn, và khó mà quên được chuyện bạn đang mang thai. Có thể chồng bạn sẽ chiều bạn hơn bởi vì anh ấy đã nhìn thấy bụng bạn “lùm lùm”. Đối với nhiều phụ nữ thì đây là giai đoạn tuyệt vời nhất trong thời kỳ mang thai, do đó bạn hãy thoải mái tận hưởng nhé.
- Tuy nhiên, đây có thể lại là thời gian lo lắng đối với một số bà bầu. Việc kiểm tra sàng lọc bào thai vài tuần trước đó đôi khi có thể phát hiện ra những điều đáng lo hoặc những khả năng xấu mà chưa thể xác định rõ ràng 100%. Thông thường, bà bầu được khuyên hãy chịu khó chờ đợi, và điều này khiến những ông bố bà mẹ tương lai rất bồn chồn bứt rứt. Bạn hãy nói chuyện với bác sĩ về những lo lắng và bứt rứt đó.

2. Sự phát triển của thai nhi

- Em bé bây giờ nặng khoảng 340 – 360gram và dài khoảng 25 – 27cm tính từ đỉnh đầu đến chân. Hệ thống tiêu hóa của thai nhi phát triển mạnh, giúp bào thai có khả năng nuốt nước ối. Sau khi nuốt nước ối, bào thai hấp thụ phần lớn nước ối trong đó và tống đẩy các chất không hấp thụ được xuống ruột già. Theo các chuyên gia, nước ối giống như một thức uống bổ dưỡng đáng ngạc nhiên giúp vỗ béo thai nhi. Việc nuốt nước ối có thể giúp hệ tiêu hóa của bào thai sinh trưởng và phát triển. Điều này cũng có thể là điều kiện để hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh thực hiện được chức năng của nó ngay sau khi chào đời.
- Bé đang lên cân đều và người thì trơn tuột do một chất trắng như mỡ gọi là gây đang bao bọc toàn bộ cơ thể, giúp bảo vệ da trong môi trường nước ối cũng như giúp bé di chuyển dễ dàng hơn. Đa phần trẻ vẫn tiếp tục mang chất trắng dinh dính này khi sinh ra.
- Vị giác đã hình thành và phát triển hơn. Các tế bào thần kinh phát triển với tốc độ nhanh. Cơ thể bé lúc này rất cần chất sắt để tạo hồng cầu và một số loại tế bào khác.

3. Lời khuyên cho tuần này

- Cho dù rất mệt, bạn vẫn hãy nhớ tập duỗi thẳng người trước khi đi ngủ. Ngoài ra, đừng để đồ vật gì gần giường ngủ để tránh bị vấp ngã lỡ như bạn cần vội thức dậy lúc nửa đêm.
- Đừng bỏ qua kiểm tra tiền sản định kỳ hàng tháng, và nhớ đánh dấu trên lịch. Các bệnh viện và phòng khám thường xếp lịch khám cho nhiều người cùng một lúc, vì thế bạn cần dự trù một khoảng thời gian kha khá cho cuộc khám định kỳ. Đừng chỉ băn khoăn đến những công việc bạn sẽ làm sau khi kiểm tra định kỳ xong.
- Luôn đảm bảo bổ sung đủ chất sắt cho cơ thể vì bé lúc này rất cần chất sắt để tạo hồng cầu. Đừng bao giờ lo thừa sắt do ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt. Các thực phẩm giàu chất sắt gồm: thịt nạc đỏ, thịt lợn, cá, đậu lăng, rau chân vịt và ngũ cốc bổ sung sắt.
- Vào mùa hè, nhiều thai phụ có cảm giác nóng buốt khi đi tiểu. Nếu cảm giác này là do tình trạng cơ thể bị khử nước thì uống thật nhiều nước lọc và các loại nước khác sẽ giúp nhanh chóng cải thiện tình hình. Nếu cảm giác nóng buốt này không hết dù đã uống nhiều nước thì hẳn bạn đã bị nhiễm trùng đường tiểu và cần đi khám chuyên khoa ngay.
- Hãy nhớ mang theo đĩa CD hoặc máy nghe nhạc MP3 để tranh thủ nghe lúc rảnh rỗi. Nghe bằng tai nghe và thưởng thức giai điệu âm nhạc để thư giãn tâm hồn một cách thoải mái. Điều này có lợi cho mẹ mà cũng rất tốt cho sự phát triển tâm lý của thai nhi.




Previous
Next Post »

Bản đồ