Tư vấn sử dụng củ gai an thai

MANG THAI TUẦN THỨ 20


Tuần thai thứ 20, bé đã lớn như củ cà rốt với những chuyển động đạp rõ ràng, mẹ vẫn đang trong giai đoạn thoải mái nhất của quá trình mang thai nhưng cũng cần lưu ý những biểu hiện của bệnh giãn tĩnh mạch. Thai nhi 20 tuần tuổi bắt đầu biết nuốt dịch ối và thận đã sản xuất ra nước tiểu.

1. Những thay đổi của mẹ bầu

a. Những thay đổi về mặt thể chất

- Từ đây cho đến hết tuần 26, tử cung bạn tiếp tục giãn mạnh. Bạn bắt đầu cảm thấy hơi khó thở vì dung tích phổi thu lại. Nhưng bạn hãy yên tâm, vì bàn tay tạo hóa rất kỳ diệu. Lúc này, lồng ngực của bạn được nâng lên phía trên để tạo nhiều không gian hơn, đồng thời xương sườn dưới chuyển dần sang hai bên. Khung xương của bạn đang “giãn” ra y như chiếc quần co giãn mà bạn đang mặc vậy.
- Chứng khó tiêu và ợ nóng tiếp tục tái phát do tác động của nội tiết tố giới tính duy trì thai, làm giãn các dây chằng ở khung xương chậu. Nội tiết tố này cũng làm giãn cơ thành ruột nên hoạt động của hệ tiêu hóa sẽ gặp khó khăn hơn thường ngày. Bạn nên cẩn thận với các món cà ri và thịt nướng cho dù đang lên cơn thèm. Nếu không thể nhịn thèm được thì bạn sẽ bị ợ nóng và khó tiêu.
- Bạn hãy phòng chứng táo bón bằng cách ăn những thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước. Bạn nên cẩn thận với các loại bánh mì và mì ống chế biến sẵn vì các món này khó tiêu hóa trong giai đoạn này. Nếu cảm thấy khó đi đại tiện, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để giúp giải quyết nhé!
- Có thể thấy chân và mắt cá chân của bạn đã bắt đầu sưng lên. Cơ thể bạn đang tích nhiều nước hơn bình thường. Hiện tượng phù nề cũng xảy ra khi bạn đứng lâu. Lời khuyên cho bạn lúc này là chọn những đôi giày thoải mái, hơi rộng để dễ xỏ vào chứ không kích chân.

b. Những thay đổi cảm xúc trong tuần này

- Bạn thấy mình thường xuyên đãng trí, một điều bình thường đối với các bà bầu. Chứng đãng trí đôi khi đẩy bạn vào tình huống rất khó chịu và đôi khi làm cho phát khóc lên. Bạn đừng nên quá bực bội. Các kết quả nghiên cứu cho biết khi chúng ta cố gắng làm nhiều việc cùng một lúc thì chất lượng các công việc đó bị giảm đi. Bạn hãy cố gắng chỉ tập trung vào một việc tại một thời điểm. Bạn cứ làm xong việc này rồi hãy sang việc khác nhé. Đừng quá khắt khe với bản thân, bởi vì chính bạn chứ không ai khác đang chăm cho thiên thần nhỏ trong bụng mình. Đó là điều quan trọng nhất, phải không nào?
- Có thể phải đến tuần thứ 20 của thai kỳ thì bạn mới cảm thấy chắc chắn mình sắp có con. Đôi khi bạn thấy ngờ vực, nhất là về đêm. Bạn có thể nghi ngại khả năng làm mẹ của mình và lo lắng làm sao có thể quán xuyến tất cả những việc của bậc làm cha mẹ. Những suy nghĩ miên man đó là rất mực bình thường, thậm chí là phản ứng tích cực trước những mốc son đáng nhớ của cuộc đời như thế. Mang thai và sinh con là bước ngoặc trọng đại và đương nhiên chúng ta cũng cần tự hỏi bản thân mình những câu hỏi xứng tầm để chuẩn bị chào đón một thiên thần nhỏ đến với gia đình.
- Nếu bận rộn công việc, có thể ban ngày bạn quên mất mình đang mang thai và chỉ đến tối mới nhớ. Điều này hết sức bình thường! Bé yêu của bạn cũng chẳng hờn dỗi gì đâu! Miễn là bạn biết cách chăm sóc bản thân và không làm bất cứ việc gì quá mạo hiểm, thì mọi việc nhìn chung đều ổn cả.

2. Sự phát triển của thai nhi

- Thai nhi 20 tuần tuổi nặng khoảng 280g và dài 16,5cm tính từ đỉnh đầu đến mông. Nếu được so sánh, bé dài bằng quả chuối.
- Lúc này, thai nhi đã biết nuốt dịch ối và thận sản sinh ra nước tiểu. Cơ thể thai nhi bắt đầu sản xuất ra phân màu xanh hoặc màu đen. Các cơ quan trên cơ thể tiếp tục phát triển và hoàn thiện dần các chức năng của mình.
- Bước qua một nửa giai đoạn thai kỳ, tóc thai nhi đã dần dài ra và các tế bào thần kinh đã được hoàn thiện chức năng của mình. Cơ quan xúc giác như: nếm, ngửi, nghe, nhìn, sờ đã được chuyên biệt hóa và phát huy tác dụng riêng của mình. Thời kỳ này, các tế bào thần kinh tập trung vào quá trình kết nối chứ không thiên về sản sinh như trước.
- Thai nhi tuần thứ 20 đã biết đạp, những cú đạp mạnh và rõ ràng hơn nhiều so với giai đoạn trước khiến bụng bà bầu đôi khi bị đau và khó ngủ. Bắt đầu từ giai đoạn này, thai nhi sẽ vô cùng hiếu động, liên tục hoạt động trong bụng mẹ đến tận khi chào đời.
- Thời gian này, ở thai nhi xuất hiện một lớp phủ màu trắng xung quanh cơ thể. Đây là lớp màng bảo vệ làn da cho bé, giúp tránh được những tác động từ phía bên ngoài.
- Bước vào giai đoạn này, em bé sẽ tập trung phát triển, hoàn thiện các cơ quan chức năng trong cơ thể. Đây là lúc thai nhi cần nhiều năng lượng hơn bao giờ hết, và cũng là lúc mẹ ăn uống tốt nhất nên cần tranh thủ bổ sung nhiều dưỡng chất để thai nhi phát triển toàn diện.
- Chuẩn bị bước vào tuần thai quan trọng thứ 2, tuần 22, thai nhi đang có những bước bứt phá ngoạn mục để hoàn thiện tất cả những cơ quan chức năng trong cơ thể.

3. Lời khuyên cho tuần này

- Hãy đi chơi thư giãn. Đây chính là thời điểm có thể nghĩ đến chuyện tạm nghỉ ngơi trước khi sinh, và vì cơ thể chưa nặng nề nên bạn vẫn có thể đi du lịch. Hầu hết các hãng hàng không đều có những quy định hạn chế bay đối với phụ nữ mang thai từ 36 tuần trở đi, và nếu bắt buộc phải bay thì phải có giấy đảm bảo của bác sĩ. Nếu bạn mang đa thai hoặc từng có biến chứng, có thể từ tuần thai 32 trở đi bạn đã cần hạn chế bay.
- Tránh làm đau lưng. Nếu bạn đã có con đầu đang tuổi tập đi, bạn chỉ cần cúi xuống với trẻ chứ đừng bế trẻ thường xuyên. Khuyến khích trẻ leo vào lòng khi bạn đang ngồi hoặc đang nằm. Phụ nữ mang thai thường hay bị đau lưng, do vậy bạn cần chú ý chăm sóc cho lưng mình. Ví dụ, nếu nếu nệm giường của bạn đã bị lõm, không tạo cảm giác thoải mái và không giúp giữ thẳng cột sống của bạn thì hãy mạnh dạn thay nệm mới tốt hơn nhé. Hãy nhớ rằng, bạn sử dụng nệm ít nhất 8 tiếng mỗi ngày cơ đấy!
- Nếu bạn không phải hạn chế tiếp xúc với nước thì hãy tận hưởng thời gian tắm bồn nhé. Trong vài tuần tới, có thể bạn sẽ thích nằm ngửa trong bồn và nhìn những chuyển động nho nhỏ nhô lên trên bề mặt bụng. Bạn cảm thấy bé yêu đang xoay người, đụng mạnh hay ngón tay bé đang nhíu vào thành tử cung, hoặc bàng quang của bạn tự nhiên có cảm giác như có chút dòng điện rất nhẹ chạm vào, v.v…, tất cả đều cho thấy em bé của bạn đang hoạt động tích cực.
- Nhớ chú ý chăm sóc cho cơ sàn khung xương chậu của bạn bằng cách thực hiện các bài tập làm chắc cơ, nhưng tránh các bài va chạm, lặp đi lặp lại. Tốt hơn là bạn đi bộ, bơi, tập thư giãn cơ, tập yoga hoặc thể dục nhẹ nhàng.
- Bụng bầu lớn cũng là lúc mẹ cần chuẩn bị cho mình những bộ đồ thai sản mới để phù hợp hơn với cơ thể và tạo cảm giác thoải mái nhất.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------



Previous
Next Post »

Bản đồ