Tư vấn sử dụng củ gai an thai

MANG THAI TUẦN THỨ 9

Lúc thai nhi 9 tuần tuổi, bạn sẽ chuẩn bị bước vào những tuần cuối cùng trong chu kỳ đầu tiên của quá trình mang thai. Từ tuần thai này, em bé đã là một bào thai thực thụ và không còn coi là phôi thai nữa.

1. Những thay đổi của mẹ bầu

a. Những thay đổi về thể trạng

- Tóc của bạn vốn liên tục trải qua chu kỳ mọc – rụng, giờ đây lại nằm im lìm ngủ đông. Đây là một trong những lý do khiến các phụ nữ mang thai thường nói tóc họ bỗng dày hơn và đẹp đẽ hẳn ra. Các ngọn tóc giờ nằm yên trên đầu bạn thay vì quấn đầy chiếc lược hay lũ lượt trôi theo dòng nước mỗi khi bạn tắm.
- Bạn có thể sẽ nhận ra những khác biệt trên móng tay nữa, bởi vì tốc độ mọc dài của chúng cũng khác thường. Chính những hoóc-môn thời kỳ mang thai đã gây ra những thay đổi này.
- Nếu như cách đây hai tuần bạn cứ như tuổi dậy thì lần hai với bao nhiêu mụn nhọt trên mặt, thì bây giờ là lúc bạn được ngắm nhìn làn da sạch sẽ của mình. Hãy dùng kem hoặc sữa rửa mặt có tác dụng nhẹ nhàng, uống nhiều nước, ăn nhiều rau và hoa quả tươi. Hãy nhớ công thức này: mỗi ngày 2 miếng trái cây và 5 phần rau tươi.
- Có thể bạn sẽ lên cân từ từ kể từ giai đoạn này.  Cũng có thể bạn đã bị giảm cân vì nghén nên không thể ăn được gì, hoặc cứ nôn mửa hoài. Nhưng kể từ tuần 9, bạn sẽ nhìn thức ăn với một con mắt khác. Chúng không còn là kẻ thù của dạ dày bạn như khoảng một tuần trước đây nữa.

b. Những thay đổi về cảm xúc

- Bạn sẽ cảm thấy bớt khi thai 9 tuần tuổi, và có vẻ tràn đầy năng lượng hơn trước đây. Dường như bạn không còn buồn nôn, mỏi mệt và phờ phạc như trước nữa.
- Ở giai đoạn này, em bé chưa thể nhắc bạn nhớ đến sự có mặt của mình bằng cách cựa quậy trong bụng bạn, nên bạn cảm giác rất bình thường. Chớ nên cảm thấy tội lỗi nếu không phải lúc nào bạn cũng nghĩ về em bé.

2. Sự phát triển của thai nhi

- Ở trong tuần này, hình dáng của một con người hoàn chỉnh đã hiện diện trên thân thể của em bé. Thính giác có sự thay đổi vượt bậc, đôi tai đang dần hình thành ở bên trong lẫn bên ngoài. Hệ thống xương đang phát triển một cách chậm nhưng chắc chắn, các cơ đã có sự kết nối với nhau. Ngón tay và ngón chân tuy vẫn còn có lớp màng nhưng đã phát triển dài hơn.
- Các bộ phận trên khuôn mặt tiếp tục phát triển để hoàn thiện hơn, đặc biệt là chóp mũi và mí mắt. Đuôi phôi cũng đang dần dần biến mất, cơ thể của bé bắt đầu duỗi thẳng ra.
- Điều đặc biệt của tuần này là giới tính của em bé đã được xác định, bộ phận sinh dục dần hình thành nhưng chưa thể nhìn thấy rõ ràng được.
Tuần mang thai thứ 9 này đánh dấu mốc quan trọng của gia đoạn cuối chu kỳ phôi thai và bắt đầu chuẩn bị cho chu kỳ bào thai.
Những thay đổi của em bé theo từng ngày trong tuần thứ 9:
Ngày thứ 57: Tính từ đỉnh đầu đến mông thì bé đã dài khoảng 16-18mm và nặng khoảng 3-7g.
Ngày thứ 58: Những bộ phận bên ngoài tai phát triển mạnh mẽ.
Ngày thứ 59: Mắt bé phát triển hoàn thiện hơn, và đặc biệt hơn, bà mẹ có thể thấy nhịp tim của con mình khi siêu âm.
Ngày thứ 60: Ngón tay bắt đầu dài ra, mặc dù lớp màng vẫn còn.
Ngày thứ 61: Chân phát triển chậm hơn tay, các ngón chân chưa có sự khác biệt nhiều và ở đầu gối chưa phân hóa rõ ràng.
Ngày thứ 62: Bây giờ bạn có thể đi siêu âm để ngắm đứa con bé bỏng của mình rồi.
Ngày thứ 63: Em bé có những thay đổi rất lớn và kích thước bây giờ đã bằng một quả chanh.

3. Lời khuyên cho tuần này

- Nếu bạn chưa đi khám thai lần thứ nhất, thì bây giờ là lúc phải đi. Chọn một thời điểm nào đó bố em bé có thể đi cùng, và cố gắng nghỉ làm việc hẳn vài tiếng sau đó để bạn có thể nói chuyện về buổi khám đầu tiên đó. Có thể bạn sẽ trở nên vô cùng phấn khích khi nghe được nhịp tim em bé rất rõ ràng bằng máy siêu âm.
- Để chuẩn bị cho lần khám thai đầu tiên, hãy dành thời gian để tìm hiểu những bệnh tiền sử của các thành viên trong gia đình và liệt kê các đơn thuốc mà bạn từng sử dụng. Việc này rất cần thiết để bạn có thể trao đổi với bác sĩ về vấn đề sức khỏe và di truyền.
- Đừng quên đánh răng! Vệ sinh răng miệng lúc nào cũng quan trọng, và trong thời gian mang thai lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bạn cũng hãy nhớ làm sạch răng bằng chỉ nha khoa mỗi ngày, đi bác sĩ nha khoa ít nhất một lần khi mang thai, và dành thời gian chăm sóc răng miệng. Trong thời gian này, nướu bị chảy máu không có gì là bất thường, nhưng cũng có thể, nó có nghĩa là bạn cần đánh răng và làm sạch răng bằng chỉ nha khoa thường xuyên hơn.
- Hãy bắt đầu để dành tiền cho những tháng nghỉ việc để sinh con. Việc có kế hoạch tiết kiệm chắn chắn cho khi nghỉ sinh sẽ giúp bạn giảm căng thẳng khi phải nghỉ việc một thời gian.

Previous
Next Post »

Bản đồ