Tư vấn sử dụng củ gai an thai

MANG THAI TUẦN THỨ 7


Bạn đã chính thức bước vào những tuần giữa của ba tháng đầu thai kỳ. Thai nhi 7 tuần tuổi đã bắt đầu nhìn thấy rõ trong bụng mẹ. Ở tuần thai này, khi đi siêu âm, bác sỹ cũng đã có thể cho bạn biết một điều hết sức kì diệu, đó là: đã nghe thấy nhịp tim em bé trong bụng bạn đập.

1. Những thay đổi của mẹ bầu

a. Những thay đổi về thể trạng

- Vẫn còn quá sớm để có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được qua thành bụng rằng tử cung của bạn đang nong rộng ra. Lúc này bụng bầu của bạn vẫn còn được che giấu bởi xương chậu và sẽ không nhô lên cho đến khi được 12 tuần.
- Có thể bạn sẽ nhìn thấy những mạch máu của mình nổi rõ lên, đặc biệt là ở vùng ngực và chân. Khi bạn đứng lâu thì chân có thể sẽ sưng đau, và bạn muốn ngồi nhiều hơn trước. Cố gắng nâng chân lên bất cứ khi nào có thể và thường xuyên gác chân lên ghế ngồi hoặc ghế gác chân để giúp máu lưu thông nhé.
- Âm đạo của bạn có thể sẽ tiết nhiều dịch nhầy hơn. Điều này là bình thường trong suốt quá trình mang thai nên bạn đừng lo lắng, trừ phi nó có mùi khó chịu, chuyển màu vàng hoặc khiến âm đạo bạn tấy rát. Nhiều thai phụ dùng băng vệ sinh hàng ngày,  điều này rất hữu ích.
- Thi thoảng bạn sẽ bị chuột rút và đau ở phần bụng dưới. Điều này cũng bình thườngvà cảm giác đau này tương tự như cảm giác nặng nề, khó chịu trước kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu bạn thấy đau liên tục, hoặc âm đạo của bạn bị chảy máu, hay đơn giản là bạn thấy lo lắng, hãy trao đổi với người đỡ đẻ hoặc bác sĩ của bạn.
- Hai đầu vú của bạn có thể sẽ lớn ra và  thâm lại. Có thể sẽ có cả mụn nhọt mọc quanh quầng vú, chúng được gọi là những nốt Montgomery - giúp cho hai đầu vú của bạn sẵn sàng tiết sữa. Đừng nắn bóp hay cố gắng nặn bỏ những nốt này. Chúng thực sự có ích chứ không giống như mụn nhọt xấu xí đâu.
- Thêm một điều bất ngờ, bạn có thể sẽ được trở lại thời dậy thì ở tuần thứ 7 này với rất nhiều mụn trên mặt. Các hóoc-môn thời kỳ thai nghén chính là thủ phạm gây nên đám mụn  kia. Bạn hãy cẩn thận với các loại mỹ phẩm dành cho da mặt lúc này vì có một số loại kem thật sự các thai phụ không nên dùng.

b. Những thay đổi về cảm xúc

- Có thể bạn sẽ bị xuống tinh thần một chút ở tuần này. Cảm giác mệt mỏi và buồn nôn thường trực vẫn còn nguyên đó, mà bạn cũng không có cách gì để cảm thấy khá hơn. Cứ bình tĩnh. Hầu hết phụ nữ mang thai đều cảm thấy khỏe hơn vào cuối thời kỳ 3 tháng đầu tiên. Từ lúc này, bạn sẽ bắt đầu đếm ngược tới ngày em bé ra đời.
- Ở giai đoạn này, nhiều ông bố chưa thực sự cảm nhận được sự thay đổi lớn lao nào như người mẹ. Trải nghiệm làm bố mới chỉ đơn giản là nghe bạn tả lại những triệu chứng, những thay đổi trên cơ thể người mẹ, chứ chưa thực sự được nhìn thấy hay cảm thấy khác biệt nào đáng kể. Không nên suy diễn rằng các ông bố thiếu quan tâm hay kém hào hứng với việc có em bé. Cũng cần vài tuần nữa các ông bố mới thực sự cảm nhận được rằng bạn đang mang thai và em bé sắp ra đời.
- Một số bà mẹ sẽ có chút cảm giác tội lỗi vì không mấy hết lòng với tình yêu dành cho em bé trong giai đoạn này. Họ lo lắng rằng em bé sẽ “biết” được những suy nghĩ tiêu cực của mẹ và thấy mình không được nhiệt tình chào đón. Nếu bạn nằm trong số này thì cũng đừng  lo lắng và buồn phiền. Bởi đơn giản, em bé không có khả năng biết được bạn đang cảm giác thế nào đâu.

2. Sự phát triển của thai nhi

Em bé liên tục thay đổi để thích nghi với cuộc sống bên trong tử cung. Điều đáng chú ý trong tuần này đó là dây rốn sẽ được hình thành. Nó sẽ là cầu nối liên kết giữa em bé và bà mẹ trong suốt 40 tuần thai. Chức năng chính của dây rốn là cung cấp chất oxy, chất dinh dưỡng và xử lí chất thải cho bé. Ngoài ra, trong tuần này, bộ máy tiêu hóa và phổi tiếp tục được hình thành.
Sự thay đổi của bé theo từng ngày trong tuần thứ 7
Ngày thứ 43: Miệng đã phân hóa thành môi và lưỡi sẽ hình thành.
Ngày thứ 44: Bên trong khoang miệng, những bộ phận sơ khai của hàm hình thành.
Ngày thứ 45: Lợi bắt đầu hình thành cho sự phát triển của răng sau này.
Ngày thứ 46: Tuyến nước mắt hình thành.
Ngày thứ 47: Thông tin di truyền sẽ phát huy tác dụng khi tai hình thành vào ngày này.
Ngày thứ 48: Những đường vân trên bàn tay ở tuần trước bắt đầu rõ hơn và ngón tay bắt đầu phân hóa thành những ngón riêng biệt.
Ngày thứ 49: Mũi còn rất nhỏ nhưng bắt đầu nhô cao hơn.

3. Lời khuyên cho tuần này

- Bạn nên bắt đầu tìm lớp dành cho các bà mẹ tương lai. Có thể cần phải đặt trước và có thể còn bị xếp trong danh sách chờ nữa.
- Hãy nghĩ đến việc đăng ký một lớp yoga dành cho bà mẹ mang thai hay một hình thức vân động nào khác tương tự trong khu vực gần nhà bạn ở. Đây cũng là cách rất hay để gặp gỡ những thai phụ khác và xây dựng một mạng lưới những người bạn mới có thể hỗ trợ nhau về sau.
- Nếu bạn vốn là người thường xuyên chạy bộ, hãy nghĩ đến việc chuyển sang một môn thể dục khác nhẹ nhàng hơn. Những hình thức thể dục thể thao tạo chấn động liên tục như thế này không hề tốt cho thai nhi. Vẫn còn nhiều cách vận động khác nhẹ nhàng phù hợp hơn với bạn trong giai đoạn này như đi bộ.


- Khi thèm ăn vặt, hãy cố gắng thỏa mãn các cơn thèm ăn của mình nhưng tránh ăn quá nhiều các thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó, hãy chọn các loại tốt cho sức khỏe như dưa chuột, ngũ cốc, cà rốt, bánh mỳ làm từ lúa mỳ nguyên cám, dưa hấu và xoài. Với đồ ăn sẵn, bạn hãy xem kỹ hạn sử dụng, ngày sản xuất và giá trị dinh dưỡng trên sản phẩm. Cũng nên kiểm tra thành phần vì có thể có những chất không tốt cho thai phụ như các chất bảo quản.
- Nếu bạn luôn cảm thấy chán các món ăn buổi sáng thì hãy bổ sung dinh dưỡng của bữa sáng vào buổi tối. Có một mẹo nhỏ dành cho bạn, đó là hãy dùng vitamin bổ sung đặc biệt, thêm thành phần vitamin B12 và axít folic để hỗ trợ cho sự phát triển hệ thần kinh của con bạn, phòng chống các dị tật ở ống thần kinh. Các vitamin bổ sung đặc biệt B6 cũng giúp bạn đỡ nghén hơn.
- Tuần này, bạn có thể sẽ có kỳ kiểm tra sức khỏe trước sinh đầu tiên với bác sỹ sản khoa, họ sẽ thảo luận về tiền sử bệnh tật và những lần mang thai trước đây, các bệnh rối loạn di truyền hay bắt đầu lập biểu đồ tăng cân của bạn. Bạn cũng cần phải xét nghiệm máu để xác định bệnh lây truyền qua đường tình dục, khả năng miễn dịch rubella... và công thức máu đầy đủ để xem có bị thiếu máu hay không.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------



Previous
Next Post »

Bản đồ