Tư vấn sử dụng củ gai an thai

Mang thai tháng thứ 5

Thai nhi đang dần lớn lên trong bụng mẹ, cơ thể đã là 4 phần bằng nhau, hình thể cũng dần cân đối. Chúc mừng nhé, bà mẹ tương lai. Bạn đã đi được nửa chặng đường rồi! Mang thai tháng thứ 5 tuy không phải "vật vã" với tình trạng ốm nghén như 3 tháng đầu nhưng bạn vẫn chưa được thảnh thơi đâu. Những cơn đau tức ở vùng bụng dưới hoặc chứng phù chân đôi khi vẫn "hành hạ" bạn đấy!

mang thai tháng thứ 5


I/ SỰ THAY ĐỔI Ở CƠ THỂ NGƯỜI MẸ.

1. Sự thay đổi về sinh lý

- Ngoại hình của thai phụ có sự thay đổi khá lớn, tử cung to ra nên làm cho bụng dưới cũng nhô ra; chiều cao của đáy tử cung đã ngang với rốn. Ngực, mông đều nở ra; lớp mỡ dưới da dày lên, thể trọng tăng.
- Sắc tố ở mặt, quầng vú, âm hộ vẫn tiếp tục sẫm màu. Ngực bắt đầu tiết sữa non. Sữa non là một dạng dịch thể màu vàng , loãng. Lúc này bạn nên lựa chọn loại áo ngực thích hợp. Áo ngực phải giữ được độ căng của ngực, tránh không cho ngực bị xệ về sau này. Chú ý không nên dùng tay ấn vào đầu vú.
- Thay nghén sẽ gây ra một số thay đổi sinh lý và khó chịu: hay bị chảy máu răng khi đánh răng vào buổi sáng; do âm đạo bị sung huyết cục bộ nên chức năng phân tiết của cổ tử cung cũng mạnh hơn, chất tiết ra từ âm đạo càng nhiều. Do khớp và dây chằng giãn ra nên thai phụ sẽ cảm thấy đau lưng.
- Trong thời kì này, thai phụ có thể cảm nhận rõ ràng thai máy rất mạnh. Thai máy là một trong những đặc trưng sống của thai nhi, là căn cứ để chẩn đoán thai nhi, là chỉ tiêu quan trọng phản ánh sự sinh tồn trong tử cung của thai nhi. Thai phụ nên ghi lại thời gian thai máy đầu tiên để cung cấp cho bác sĩ khi đi khám thai.

2. Hiện trạng của bạn

- Đáy tử cung đã lên đến ngang rốn, và tiếp tục đi lên 1 cm mỗi tuần.
- Áp lực của thai có thể làm rốn của bạn lồi và tồn tại cho đến sau khi sinh.
- Sức nặng của bé có thể làm bạn hơi mất thăng bằng.
- Trên da bắt đầu xuất hiện những vết rạn da.

3. Cách xử trí

- Khó thở: Đừng quá bận tâm. Bạn có thể đến bác sĩ, nếu cần hãy thử máu xem bạn có bị thiếu máu không.
- Nghẹt mũi và chảy máu cam: Có thể nhỏ mũi để bớt nghẹt mũi.
- Ợ nóng: Tránh ăn quá no, uống rượu và ăn đồ cay. Duỗi thẳng hai tay lên đầu để giảm bớt triệu chứng. Dùng thuốc kháng axit có thể có hiệu quả và nhìn chung an toàn cho thai. Hỏi bác sĩ để biết loại thuốc kháng axit nào phù hợp cho bạn.
- Ngứa: Hãy ăn nhiều món giàu vitamin B. Hỏi bác sĩ khi đã điều trị mà các triệu chứng không hết.
- Tăng dịch tiết âm đạo: Đây là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu dịch tiết quá nhiều, có mùi hôi hoặc ngứa thì phải báo bác sĩ.

II/ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI.

1. Tuần thai 17

- Tuần thứ 17 trong quá trình mang thai bé đã nặng khoảng 200g. Từ đầu đến mông bé dài 14cm, bằng cỡ quả ớt chuông.
- Bé liên tục co duỗi tay chân và bạn sẽ bắt đầu nhận thấy những cử động ngày càng nhiều trong vài tuần tới. Mạch máu của bé hiện rõ dưới lớp da mỏng, đôi tai lúc này đã ở đúng vị trí tuy có hướng ra ngoài đầu một chút. Một lớp chất béo bảo vệ đang bắt đầu hình thành xung quanh các dây thần kinh của bé, quá trình này sẽ tiếp tục trong một năm sau khi bé chào đời.
- Nếu đây là bé gái, tử cung và ống dẫn trứng được hình thành ở đúng vị trí. Nếu là bé trai, bộ phận sinh dục của bé đã có thể nhìn ra, nhưng đôi khi tư thế nằm của bé có thể che khuất bộ phận này khi siêu âm.

2. Tuần thai 18

- Tuần thai thứ 18, sự phát triển các giác quan của bé đang bùng nổ. Não của bé đang phân định các vùng riêng biệt cho khứu giác, vị giác, thích giác, thị giác và xúc giác. Bé đã có thể nghe được giọng nói của bạn, vậy nên đừng ngại khi đọc lớn, nói chuyện với bé hoặc hát những giai điệu hạnh phúc khi bạn muốn.
- Bé nặng khoảng 240g và dài khoảng 15cm từ đầu đến mông. Tay chân của bé đã cân đối với nhau và với cơ thể. Thận tiếp tục tạo ra nước tiểu và tóc trên da đầu bắt đầu mọc. Một lớp phủ bảo vệ dạng sáp, gọi là vernix caseosa, đang hình thành trên làn da của bé để ngăn da bé bị ngấm nước ối.

3. Tuần thai 19

Ở tuần thai thứ 19, bé của bạn nặng chừng 300g. Từ đầu đến mông bé dài khoảng 16,5cm, hoặc 25,5cm nếu tính từ đầu đến gót chân, bằng cỡ một quả chuối. Trong 20 tuần đầu, do chân của bé co vào trước thân nên chiều dài của bé được đo từ đầu đến mông. Sau 20 tuần, bé sẽ được đo độ dài từ đầu đến ngón chân.
Bé bắt đầu biết nuốt vào nhiều hơn, điều này tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Bé cũng thải ra phân su. Chất dính màu đen này sẽ tích tụ trong ruột của bé trong quá trình phát triển của thai kỳ và sẽ được thải ra ngoài cơ thể trong lần bẩn tã đầu tiên của bé. Cũng có một số trẻ sơ sinh khác thải phân su trong bụng mẹ hoặc trong quá trình chào đời.

4. Tuần thai 20

Bé bây giờ đã nặng khoảng 340g và dài khoảng 27cm , cỡ bằng một củ cà rốt. Bạn sẽ sớm cảm thấy như bé đang tập luyện võ khi những chuyển động nhẹ ban đầu biến thành những lần đạp và huých mạnh mẽ. Lông mày và mi mắt đã bắt đầu xuất hiện.  Nếu là bé gái, âm đạo của bé cũng được hình thành.

III/ CHĂM SÓC MẸ BẦU THÁNG THỨ 4

1. Chế độ dinh dưỡng

- Tam cá nguyệt thứ 2 thường là khoảng thời gian thoải mái, dễ chịu nhất với mẹ bầu. Bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng và năng động hơn hẳn so với 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối. Trong 4 tháng đầu tiên mang thai, bạn nên tăng khoảng 3-4kg. Cuối tháng thứ 5, cần tăng thêm 1,5-2kg.
- Cơ thể mẹ bầu lúc này bắt đầu trở nên cồng kềnh, nguyên do thường vì cơ thể tích quá nhiều nước. Vì vậy, bạn nên hạn chế ăn mặn, giảm lượng muối trong lúc nấu ăn, tránh thực phầm nhiều muối như khoai tây chiên, đồ ăn chế biến sẵn, dưa chua, ô-liu và các loại thịt xông khói.
- Bên cạnh đó, uống nước thường xuyên, 8 ly mỗi ngày cộng thêm các loại nước lành mạnh khác. Uống nước nhiều giúp lọc bớt những chất lỏng không cần thiết trong cơ thể, giúp mẹ bầu nhẹ nhàng hơn.
- Bác sĩ có thể yêu cầu bạn bổ sung thêm canxi trong giai đoạn này. Nhu cầu canxi tăng trong thai kỳ, vì vậy bầu nên để ý uống 2 ly sữa và thêm 2 phần ăn từ các chế phẩm từ sữa vào thực đơn ăn uống hằng ngày.
- Đã qua rồi thời kỳ ốm nghén, buồn nôn, giờ đây bạn có thể cảm thấy thèm ăn rất nhiều thứ. Cẩn thận! Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu chất, chẳng hạn muốn ăn thịt đỏ là dấu hiệu của thiếu sắt. Tuy nhiên, nếu thèm đồ ngọt, cố gắng hạn chế bầu nhé.

2. Chế độ nghỉ ngơi, luyện tập

- Nghỉ ngơi:

Do tử cung to dần ra, khiến thân người phía dưới của thai phụ diễn ra sự lưu thông huyết mạch không thoải mái, cho nênphụ nữ mang thai thường rất dễ mệt mỏi và khó khôi phục sức khoẻ, vì thế nhất định phải chú ý chia mốc thời gian để nghỉ ngơi, tốt nhất là mỗi buổi trưa nên ngủ từ 1 – 2 giờ.

- Luyện tập:

Bơi chính là gợi ý lý tưởng cho mẹ bầu vào tháng thứ năm này. Việc ngâm mình dưới nướcvà thực hiện một số chuyển động nhẹ nhàng giúp bạn cảm thấy thư giãn và dễ chịu hơn hẳn. Khi đi bơi, bạn nên đảm bảo rằng không vận động quá sức, và đặc biệt đừng quên thoa kem chống nắng vì làn da đang trong thời kỳ rất nhạy cảm đấy. Luôn uống nhiều nước khoảng 2-3 lít mỗi ngày, khi tập luyện nên uống mỗi ly nước cách nhau khoảng một giờ.

3. Chuẩn bị các đồ dùng cho trẻ nhỏ

- Mặc dù mang thai tháng thứ 5, nhưng người mẹ cần phải chuẩn bị quần áo cho trẻ để chuẩn bị cho sự ra đời của trẻ. Nên chọn loại quần áo không cọ xát vào da của trẻ, sợi mềm, dễ giặt và nhanh khô, không mất màu sắc, mặc áo hay cởi áo ra đều dễ dàng. Kiều quần áo nên rộng rãi; ở dưới nách, sau lưng không cần có khuy áo hay khuy bấm…
- Nên chuẩn bị các đồ dùng để cho trẻ đi tiểu cũng như tã lót, khăn tã cần loại có thể thấm được nhiều nước lâu, tã lót phải là loại không dò nước và không dày làm trẻ bị nóng rất khó chịu.

4. Những điều cần tránh khi mang thai tháng thứ 5

- Khi xem tivi, xem phim ở rạp, ngồi máy vi tính không được quá lâu. Mỗi ngày chỉ nên xem ti vi từ 2 giờ trở xuống và phải ngồi xa màn hình từ 2m trở lên. Trong nhà cần thông thoáng, ngồi với tư thế ngay ngắn. Không nên xem phim bạo lực, khủng bố, kinh dị hay đau buồn trên tivi vì rất có thể nó sẽ ảnh hưởng ít nhiều cho thai nhi, đặc biệt là vấn đề về tâm lý của trẻ.
- Khi nghe nhạc thì thai phụ nên nghe loại nhạc nhẹ, êm đềm và trữ tình, âm lượng không nên quá to… Hãy chọn cho bạn loại nhạc cho bà bầu đã được nghiên cứu và đánh giá tốt.
- Phòng bệnh trĩ, bà bầu nên ăn nhiều rau và nước hoa quả như: rau cần, cải trắng, chuối… không ăn hồng. Định ước thời gian mà đi đại tiện, sau đó nên dùng nước nóng rửa đáy hậu môn.
- Cần chú ý giữ gìn bảo vệ tóc, thường xuyên gội đầu, gội xong không được dùng gió mạnh sấy khô tóc mà nên để tóc tự khô. Thậm chí cũng không nên dùng lược hay máy sấy tóc.
- Để đề phòng bệnh đái tháo đường thì phải cần biết cách phòng và trị liệu, để giảm thiểu tình trạng thai nhi sinh ra dị hình cũng như là chết non.
- Kiên trì mỗi ngày nên có chế độ hoạt động trong thời gian hợp lý. Uống nhiều nước và không ăn vặt, đề phòng bệnh sỏi thận.
- Chú ý giữ vệ sinh miệng. Không được quên đánh răng, nếu bị bệnh về răng miệng thì giai đoạn này cần thiết trị cho khỏi.

- Căn cứ vào thời gian mang thai là đầu, giai đoạn giữa hay cuối tuần mà nên đi kiểm tra thai nhi để theo dõi sức khoẻ và thai phụ cũng như của thai nhi để xem thai phát triển có bình thường hay bất thường.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Xem thêm các bài viết liên quan:

Mang thai tháng thứ 6

Mang thai tháng thứ 7

Mang thai tháng thứ 8

Mang thai tháng thứ 9

Previous
Next Post »

Bản đồ