Tư vấn sử dụng củ gai an thai

MANG THAI TUẦN THỨ 39


Tuần thai thứ 39 là giai đoạn cận kề với ngày sinh nở. Lúc này em bé của bạn đang chờ đón đến ngày được sống với thế giới bên ngoài. Cho dù mẹ đã nhận thấy những dấu hiệu chuyển dạ thì đến tuần 39 thai kỳ, não bé vẫn tiếp tục phát triển.

1. Những thay đổi của mẹ bầu

a. Những thay đổi về mặt thể chất

- Trong những đợt khám thai lúc này, bạn có thể được kiểm tra CTG (Cardiotocographs – đo tim thai và độ co thắt tử cung) vài lần, cũng như được siêu âm để đánh giá mức độ trưởng thành hay quá tháng của em bé. Bạn cũng có thể được kiểm tra lượng nước ối, kích thước của em bé, và vị trí của nhau thai. Thông thường, khi thai quá tháng thì nhau thai sẽ không làm việc hiệu quả nữa, do vậy, điều quan trọng là nó cần phải được theo dõi cẩn thận.
- Bạn có thể được yêu cầu ghi lại những lần chuyển động của thai nhi mà bạn cảm nhận được trong tuần này. Nếu có sự thay đổi hoặc giảm đáng kể trong những chuyển động này thì bạn sẽ cần phải nhập viện.
- Bạn có thể cảm thấy áp lực đè lên cổ tử cung, một cảm giác rất khó tả, có lẽ tương tự như khi làm pap smear (lấy mẫu tế bào cổ tử cung để xét nghiệm), đầu của em bé càng đè nặng lên cổ tử cung thì cảm giác này xuất hiện càng nhiều. Lúc này, cổ tử cung của bạn sẽ dần mỏng đi, sẵn sàng để bắt đầu giãn nở. Trong suốt quá trình chuyển dạ, cổ tử cung của bạn sẽ cần phải giãn nở đến 10 cm để đầu và cơ thể em bé thoát ra bên ngoài.
- Bạn có thể thấy dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn. Đó là chất màu trắng, hơi lỏng, do các tế bào ở cổ tử cung sản xuất ra. Một số bà bầu có thể thấy ra chất nhầy, và dù đó không phải là dấu hiệu thực sự của chuyển dạ, nhưng nó cũng cho thấy là có gì đó đang diễn ra ở bên trong.

b. Thay đổi về mặt tinh thần

- Trong tuần này, bạn sẽ có những cảm xúc lẫn lộn: thất vọng, vui mừng, hồi hộp, bồn chồn, sợ hãi, khó chịu, mệt mỏi, và có thể nhiều hơn nữa. Hãy cố gắng nghỉ ngơi và làm những công việc đơn giản, nhẹ nhàng, không tốn nhiều năng lượng.
- Bạn có thể có những giấc mơ kỳ lạ, sống động về em bé trong tuần này. Bạn mơ thấy mình đã có em bé mà không nhận ra, hoặc mơ thấy giới tính của bé không như mình vẫn mong đợi. Bạn thức dậy, cảm thấy còn mệt mỏi hơn khi đi ngủ, trí tưởng tượng của bạn thực sự đã làm việc quá sức khi bạn mang thai quá hạn.

2. Sự phát triển của thai nhi

Thai nhi 39 tuần tuổi có chiều dài toàn cơ thể của bé đạt khoảng 47-48 cm (chiều dài từ đầu đến mông khoảng 35-36 cm) và bé nặng khoảng 3,2-3,3 kg (bằng trọng lượng một quả dưa hấu nhỏ). Lúc này, bé tiếp tục bồi đắp thêm các lớp mỡ để giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể sau khi sinh.
Thời điểm này, thông thường lớp da bên ngoài của bé bong tróc ra, đồng thời một lớp da mới được hình thành bên dưới lớp da cũ. Hầu hết lớp lông tơ và các chất gây bảo vệ cơ thể bé đã mất đi.
Dây rốn vận chuyển dinh dưỡng từ nhau thai đến cho bé bây giờ dài khoảng 50 cm và dày khoảng 1,3 cm. Do bé đã lớn từ 3,2-3,3 kg và chiếm hết chỗ trong tử cung, rất có thể dây rốn bị thắt và quấn quanh người bé.
Ở những tuần thai cuối này, vì bé đã tụt sâu xuống cổ tử cung nên sẽ ít hoạt động hơn vì bụng mẹ đã trở lên chật chội, chị em đừng vì thế mà lo lắng.

3. Lời khuyên cho tuần này

- Ăn một bữa món Thái với cà ri thật cay, hoặc cố gắng uống một ít dầu hải ly (dầu thầu dầu). Cả hai cách này đều nhằm làm cho ruột co thắt. Quan hệ tình dục cũng được cho là có ích, vì trong tinh dịch nam có chứa chất prostaglandin (hỗn hợp chất béo), có hoạt động tương tự như các kích thích tố nhân tạo có trong gel được sử dụng để giục sinh.
- Nếu có đủ sức thì bạn nên đi bộ nhiều một chút. Đi sẽ giúp tăng áp lực từ đầu em bé lên cổ tử cung, như vậy sẽ giúp cổ tử cung dần mỏng đi và dễ giãn nở.
- Thử kích thích đầu vú nếu bạn có thể chịu đựng được. Một số bà bầu thấy cách này rất hữu ích để giúp tử cung bắt đầu co thắt. Nếu bạn không muốn tự làm điều đó thì có thể nhờ ông xã giúp.
- Đây là thời điểm tốt để tìm hiểu kỹ về các cơn gò khi chuyển dạ. Nên khám định kì 1 tuần 1 lần và trao đổi với bác sĩ về những cơn đau bạn gặp phải nếu như có bất kỳ sự khác thường nào. Ngoài ra bác sĩ của bạn cũng tiến hành hàng loạt các xét nghiệm, siêu âm như mức nước ối như thế nào, cổ tử cung của mẹ xem nó đã sẵn sàng chưa. Vị trí của cổ tử cung, độ mềm, mỏng và giãn nở của nó đều có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ của mẹ…


Previous
Next Post »

Bản đồ