Đây là
tuần cuối cùng trong chu kỳ mang thai bình thường. Mang thai tuần thứ 38 là một
trong những tuần mà việc chuyển dạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Từ tuần thai
này, bầu ngực mẹ có thể đã tiết ra rất nhiều sữa non để sẵn sàng cho bé bú ngay
sau khi chào đời.
1. Những thay đổi của mẹ bầu
a. Những thay đổi về mặt thể chất
- Bạn sẽ
phải trải qua nhiều cơn co thắt Braxton Hicks, vốn giúp thúc đẩy lưu thông máu
đã được oxi hóa vào tử cung và bé. Đôi khi những cơn co bóp này rất mạnh nhưng
bạn cũng không cần phải bận tậm trừ khi bạn cảm thấy đau. Nếu thấy khó chịu, bạn
có thể tắm nước ấm hoặc thay đổi tư thế, sẽ dễ chịu hơn nhiều.
- Nếu bé
đã chúi xuống khung chậu của bạn thì hình dạng cơ thể bạn sẽ thay đổi và mọi
người thường trêu là bạn “đã tụt”. Mặc dù điều này làm cho bạn dễ thở hơn nhưng
áp lực lên bàng quang của bạn sẽ lớn hơn. Nhà vệ sinh sẽ là nơi mà bạn viếng
thăm nhiều nhất. Hãy tin tưởng rằng mọi thứ đang tiến triển tốt.
- Nếu nước
ối của bạn rỉ ra từ âm đạo, những cơn co bóp đến khoảng 15 phút một lần, hoặc
là những cơn đau lưng dồn liên tiếp, hãy nói chuyện với y tá hoặc bác sĩ. Tất cả
đều có thể là triệu chứng của một cơn đau đẻ thật sự.
- Bạn sẽ
cảm thấy nặng nề và tắc nghẽn ở khung xương chậu. Nếu bạn đã từng có em bé trước
đây, bạn sẽ cảm thấy cơ thể bạn không thể giữ được em bé nữa đặc biệt là khi bạn
đứng. Các cơ xương chậu đang phải làm việc hết sức mình để giữ được trọng lượng
tập trung của tử cung và giống như cái dây bị căng quá đà, nó vẫn chùng xuống ở
những điểm quan trọng. Cố gắng ngồi khi có thể. Hãy tìm một chiếc ghế thoải
mái, uống nước, đọc sách và nhớ để điện thoại bên cạnh. Bạn không cần phải giải
thích với bất kì ai khi bạn đã ở tuần thứ 38, đây là một trò chơi chờ đợi.
- Vùng
da bụng bị kéo dãn và căng như một cái trống. Rốn của bạn trông như thể nó bị bục
ra ngoài và vết rạn da của bạn sẽ có màu tím hoặc màu đỏ đậm. Bạn có cảm giác
da bụng của bạn không thể căng hơn được nữa nhưng không phải thế. Nếu bạn vòng
tay xung quanh xuống dưới bụng bầu, các ngón tay của bạn thậm chí còn không chạm
được vào nhau.
b. Thay đổi về mặt tinh thần
- Bạn sẽ
cảm thấy ruột gan nóng như lửa đốt. Bạn đã mong chờ đến thời điểm này từ rất
lâu rồi và nếu vẫn chưa có gì xảy ra, bạn có thể cảm thấy hơi thất vọng.
- Bạn sẽ
có một cảm xúc lẫn lộn mong chờ và háo hức, lo lắng và sốt ruột. Đây là một tuần
của cảm xúc và nó có thể trở nên tồi tệ nếu bạn cảm thấy bạn không điều khiển
được những gì đang xảy ra.
2. Sự phát triển của thai nhi
Thai nhi
38 tuần đã thực sự có da có thịt, vì trọng lượng của bé đã đạt khoảng từ 3 -
3,1 kg và tổng chiều dài của bé khoảng 46 - 47 cm (tính từ đầu đến mông khoảng
34 - 35 cm).
Lúc này
đầu của bé đã lọt vào hố chậu và được bảo vệ bởi khung xương chậu. Vị trí này sẽ
giúp chân và mông bé dễ vận động hơn nhờ không gian rộng hơn. Lúc này bàng
quang của bạn bị chèn ép ghê gớm, bạn thường xuyên phải đi tiểu.
Lớp mỡ vẫn
đang dày hơn trên người bé, nhưng sự phát triển bắt đầu chững lại. Bạn nhận thấy
bạn không tăng cân nữa. Một số phụ nữ còn hơi giảm cân trong hai tuần cuối này.
Lúc này, các cơ quan trong cơ thể của bé đã hoàn thiện và sẵn sàng giúp bé
thích nghi với môi trường mới bên ngoài bụng mẹ.
Thai nhi
tuần 38, bé vẫn tiếp tục nuốt nước ối. Các chất trong nước ối sẽ được chuyển
hóa và giữ lại ở ruột, tạo thành lớp phân su màu đen dính. Màu mắt của bé sau
khi sinh ra chưa hẳn đã giữ nguyên mà có thể thay đổi trong vòng 1 năm sau khi
bé chào đời. Nguyên nhân là do các sắc tố màu trong mắt bé sẽ còn tiếp tục phát
triển sau khi bé chào đời.
3. Lời khuyên cho tuần này
- Bạn
nên đi khám vào tuần này và nói cho bác sĩ biết mọi biểu hiện lạ mà bạn đã gặp
trong tuần qua.
- Về chế
độ dinh dưỡng, thời điểm này có thể bạn cảm thấy không muốn ăn lắm, nhưng việc
duy trì chế độ ăn uống đầy đủ vẫn rất quan trọng. Bạn có thể ăn vặt. Thay vì ăn
các bữa chính, hãy chia thành nhiều bữa ăn vặt nhỏ trong ngày để duy trì năng
lượng và tránh bị ợ nóng.
- Ngoài
ra, bạn hãy sử dụng thời gian này để chuẩn bị đồ sơ sinh và các vật dụng cần
thiết khác, bởi bạn không thể đi ra ngoài sau khi sinh. Hãy chợp mắt, đọc sách
và dành thời gian rảnh rỗi với chồng bạn khi có thể, vì sau khi sinh bé, bạn sẽ
rất bận rộn nên ít có thời gian để quan tâm, chăm sóc đến chồng.
Sign up here with your email