Ông bà ta thường dạy rằng “phòng bệnh
hơn chữa bệnh” quả thật không sai, cùng với sự phát triển đi lên của xã hội,
ngày càng có nhiều loại vắc xin phòng bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe con người một
cách hiệu quả và và triệt để, chính vì vậy việc tiêm vắc xin phòng bệnh đã và
đang trở thành một việc làm hết sức quan trọng, cần thiết đặc biệt đối với phụ
nữ chuẩn bị mang thai, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mẹ và bé trong
quá trình mang thai và khả năng kháng thể của trẻ sau này.
1. Rubella
- Virut rubella lây truyền qua đường hô
hấp, thời gian ủ bệnh từ 12 – 23 ngày (trung bình là 18 ngày). Nhiễm rubella
trong đầu thai kỳ (3 tháng đầu hoặc 20 tuần đầu) có thể gây thai chết hoặc hội
chứng rubella bẩm sinh, hội chứng này đặc trưng bởi nhiều khuyết tật, đặc biệt
là với não, tim, tai và mắt. Virut rubella có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể
trẻ mang dị tật bẩm sinh, thường là trên 1 năm và được bài xuất qua dịch tiết hầu
họng, nước tiểu và đó là nguồn lây nhiễm cho những người tiếp xúc.
- Tất cả phụ nữ, vị thành niên nữ đều có
thể tiêm phòng rubella, trừ các trường hợp: dị ứng với thành phần của thuốc,
suy giảm miễn dịch; thận trọng khi có tiền sử dị ứng trứng, hoãn tiêm khi sốt,
bệnh cấp tính, có thai. Tác dụng phụ: đau, sưng tại chỗ tiêm, sốt, phát ban.
- Thai nhi có nguy cơ mắc dị tật càng
cao nếu bị nhiễm Rubella càng sớm, cụ thể:
+ Mẹ bị nhiễm Rubella khi thai nhi nhỏ
hơn 12 tuần tuổi thì 90% thai nhi phát triển sẽ bị dị tật.
+ Khi mang thai 13-14 tuần, người mẹ nhiễm
virut Rubella thì 30-40% thai nhi phát triển sẽ bị dị tật.
+ Mang thai được 15-16 tuần, người mẹ
nhiễm Rubella thì 20% thai nhi phát triển sẽ bị dị tật.
+ Thai nhi được 16-20 tuần tuổi, nếu mẹ
nhiễm Rubella thì 10% thai nhi sẽ bị dị tật.
+ Thai nhi trên 20 tuần tuổi dù mẹ nhiễm
Rubella thì tỉ lệ thai nhi bị dị tật cực kì thấp (dưới 1 %).
- Lưu ý: Tránh có thai trong vòng 3
tháng sau tiêm.
2. Thủy đậu
- Phụ nữ chuẩn bị có thai được tiêm
phòng thủy đậu sẽ tránh được tình trạng mẹ bị thủy đậu trong nửa đầu thai kỳ có
thể gây dị tật bẩm sinh do lây nhiễm qua nhau thai. Những dị tật bẩm sinh gồm:
viêm võng mạc bồ đào, teo vỏ não, thận ứ nước, những khiếm khuyết của da và
xương chân. Nguy cơ cao nhất là 2% ở tuổi thai từ 13-20 tuần. Tác dụng phụ:
đau, sưng tại chỗ tiêm, sốt, phát ban sau 1 – 3 tuần.
- Không tiêm vắc – xin thủy đậu cho các
trường hợp: quá mẫn với thành phần của thuốc, có thai, suy giảm miễn dịch, hoãn
tiêm khi sốt, bệnh cấp tính, thận trọng 2 ngày trước tiêm khi bị dị ứng, co giật.
- Theo các thống kê cho thấy, tỉ lệ phụ
nữ mang thai bị tử vong do thủy đậu cao nhất trong số các trường hợp bình thường
khác mắc bệnh thủy đậu. Nguy cơ mắc thủy đậu ở thai nhi như sau:
+ Trong 3 tháng đầu tiên mang thai, nhất
là vào tuần thứ 8-12 trong thời kì mang thai, tỉ lệ thai nhi nhiễm hội chứng thủy
đậu bẩm sinh là 0,4% với biểu hiện bên ngoài là sẹo ở da, tật đầu nhỏ, bệnh lý
võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tinh thần,
nghiêm trọng nhất là có thể dẫn tới sảy thai hoặc thai chết lưu.
+ Trong 3 tháng giữa, nhất là khi thai
nhi được 13-20 tuần tuổi, tỉ lệ thai nhi nhiễm hội chứng thủy đậu bẩm sinh lên
tới 2 %.
+ Từ tuần thứ 20 của thai kì trở đi, hầu
như thai nhi không bị ảnh hưởng bởi bệnh thủy đâu.
+ Nếu trước khi sinh 5 ngày và sau sinh
2 ngày, người mẹ bị nhiễm bệnh thủy đậu thì bé sơ sinh dễ bị nhiễm bệnh thủy đậu
lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian để tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước
sinh. Vì thế tỉ lệ trẻ sơ sinh nhiễm thủy đậu bị tử vong tăng lên đến 25-30%.
- Lưu ý, nên tránh có thai trong vòng 3
tháng sau khi tiêm.
3. Viêm gan B
- Viêm gan siêu vi B là do virut gây ra,
chúng dễ dàng lây truyền qua đường máu và dịch cơ thể, vì thế khi mang thai bà
mẹ nhiễm virut viêm gan B dễ dàng lây virut sang cho thai nhi hoặc lây cho trẻ
sơ sinh trong quá trình sinh nở. Theo nhiều thống kê cho thấy, các mẹ bầu vị
nhiễm viêm gan siêu vi B trong 3 tháng giữa của chu kỳ mang thai nguy cơ lây
truyền cho con là 10%-20%, tỷ lệ này sẽ tăng lên 90% nếu mẹ nhiễm bệnh trong 3
tháng cuối của thai kỳ.
- Phụ nữ chuẩn bị mang thai muốn tiêm
phòng viêm gan siêu vi B nên xét nghiệm huyết thanh học trước khi tiêm. Xét
nghiệm huyết thanh học để đánh giá tình trạng nhiễm HBV đang được áp dụng phổ
biến là xét nghiệm HBsAg và Anti-HBs. Cũng có thể xét nghiệm huyết thanh học
cho cả chồng để có thêm dữ liệu về nguy cơ của người vợ, tình trạng nhiễm viêm
gan B của chồng.
4. Tiêm phòng cúm
- Cảm cúm là căn bệnh khá phổ biến mà bất
kỳ người nào cũng có thể gặp phải đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa, thay đổi
thất thường như ở Việt Nam. Trong quá trình mang thai, đặc biệt là trong 3
tháng đầu của thai kỳ, nếu mẹ bầu mắc phải những cơn cúm kéo dài sẽ dẫn đến khả
năng thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Chính vì vậy, chị em cần tiêm phòng cúm trước
khi có ý định mang thai nhằm đảm bảo bào
thai có sức khỏe tốt và phát triển toàn diện.
Tiêm phòng trước khi mang thai là rất cần
thiết để an toàn cho cả mẹ và con, tùy theo điều kiện mà bạn có thể lựa chọn
cho mình những loại vắc xin phù hợp, tuy nhiên bạn cần tiêm đủ 4 loại vắc xin cần
tiêm phòng trước khi mang thai như đã nêu ở trên để có thể yên tâm đảm bảo cho
sức khỏe của mẹ và sự an toàn, sự phát triển toàn diện của bé sau này nhé. Bên
cạnh đó, bạn có thể tiêm bổ sung một số
mũi tiêm ngăn ngừa các bệnh khác như viêm gan siêu vi A, cúm, thương hàn, phổi,
quai bị…. để có một kỳ mang thai khỏe mạnh, an toàn nhé.
Sign up here with your email