Tư vấn sử dụng củ gai an thai

MANG THAI TUẦN THỨ 22


Tuần thứ 22 trong quá trình phát triển của thai kỳ, bé đã trở nên nhạy cảm hơn với âm thanh và những di chuyển của bên ngoài. Ở tuần này, mông, đùi, bụng và tay của mẹ đã đầy đặn hơn và không còn gọn gàng như trước. 
tuần thai 22



1. Những thay đổi của mẹ bầu

a. Những thay đổi về mặt thể chất

- Tuần này bạn có thể cảm thấy mắt mình khô rát. Triệu chứng này có thể tệ hơn nếu bạn có đeo kính hoặc kính sát tròng. Thuốc nhỏ mắt bôi trơn hoặc nước mắt nhân tạo có thể có ích. Nhớ đeo kính râm khi ra nắng. Bất kỳ sản phẩm nào có EPF (chỉ số bảo vệ mắt) là 10 thì đều tốt.
- Có thể xuất hiện các vết rạn trên bụng, đùi và hông. Chúng xuất hiện khi sợi collagen ở vùng chân bì của da bị kéo dãn và xé rách để có thể phù hợp với một vóc dáng và số đo cơ thể đang "tăng trưởng". Tiếc là không có loại kem nào có thể thấm qua được lớp ngoài cùng của da để đến được vùng chân bì, cho dù có quảng cáo ra sao trên nhãn mác. Nếu bạn muốn, hãy xoa bóp bụng bằng một ít kem làm mềm hoặc loại có chứa vitamin E. Thời điểm tốt nhất là sau khi tắm, khi da vẫn còn ấm, ẩm và lỗ chân lông mở rộng hơn.
- Bạn có thể nhìn thấy những nốt nhỏ như mụn ở quầng vú. Chúng được gọi là những nốt Montgomery và chúng tiết ra chất bôi trơn dạng dầu giúp nuôi dưỡng đầu vú và làm mềm chúng. Đừng chà xát quá mạnh bằng xà phòng khi tắm và đừng nghĩ bạn cần phải dùng kem trị mụn để loại bỏ những nốt sần này.
- Đừng quá lo lắng nếu bạn cảm thấy bạn lúc nào cũng thích nuốt nước bọt. Tiết nước bọt quá độ là một triệu chứng thường gặp ở tuần thứ 22 của thai kỳ, và mặc dù nó có thể gây khó chịu, điều này không có nghĩa là có gì không ổn. Hãy thử kẹo cao su, ngậm kẹo bạc hà và đem theo khăn giấy để thấm nước bọt nếu cần.
- Bạn có thể gặp nhiều cơn đau đầu hơn trong tuần này, vốn có thể ảnh hưởng đến công việc và khả năng tập trung của bạn. Hãy tìm hiểu nguyên nhân. Đối với nhiều phụ nữ, đó có thể là do chocolate, caffeine, phơi nắng, không uống đủ nước hoặc có lượng đường huyết thấp do ăn không thường xuyên. Nếu nằm nghỉ không giúp được, hãy kiểm tra với bác sĩ hoặc dược sĩ để xem loại thuốc nào có thể sử dụng an toàn.

b. Thay đổi về mặt tinh thần

- Bạn cảm thấy có mối liên hệ gần gũi với em bé chưa? Bạn có thể phát hiện ra mình xoa bụng một cách vô thức, mơ màng về việc em bé sẽ trông như thế nào, và thậm chí ngồi cười một mình khi nghĩ về nó.
- Nhiều cặp đôi khi có thai còn nghĩ ra biệt danh cho em bé ngay khi nó còn nằm trong tử cung. Hãy cẩn thận! Những cái tên bắt đầu một cách vô tư, nhưng có thể bám trụ lâu dài và sau này có thể bạn sẽ phải tự biện hộ cho những cái tên đó.

2. Sự phát triển của thai nhi

- Thai nhi 22 tuần tuổi có chiều dài tính từ đỉnh đầu đến gót chân khoảng từ 26,6-30cm và nặng khoảng từ 360-500g.
- Thai nhi tuần 22, tất cả các cơ quan đã hình thành và phát triển, cơ thể bé giống như lúc sinh ra đời nhưng còn rất nhỏ so với kích thước lúc chào đời. Quá trình phát triển vẫn diễn ra mạnh mẽ kể từ tuần này. Tuy vậy, làn da của bé vẫn có nhiều nếp nhăn, do bé chưa tăng cân quá nhiều để da có thể căng lên. Mắt bé hình thành dáng từ lâu nhưng con ngươi thì vẫn còn thiếu sắc tố. Mí mắt, lông mày hoàn thiện dần. Lá lách đang tiếp tục phát triển.
- Thời gian này, nếu bạn cho rằng thai nhi không biết những hoạt động bên ngoài là hoàn toàn nhầm bởi bé có thể nghe thấy hết những gì bạn nói. Khi mang thai từ tuần 20-22 trở đi, mẹ hãy thường xuyên dành thời gian nói chuyện với thai nhi, hát hoặc kể chuyện hàng ngày cho con nghe. Cũng nên tận dụng thời gian bé có thể lắng nghe, cho bé nghe các bản nhạc cổ điển, những bản nhạc bạn yêu thích, để bé cảm nhận dần dần những âm thanh từ phía ngoài.
- Đây có thể xem là thời gian dễ chịu cuối cùng của bạn bởi từ 3 tháng cuối trở đi thì bạn sẽ vất vả hơn rất nhiều khi mang thai. Thân hình nặng nề, thai nhi đè lên phổi khiến bạn khó thở, khó ngủ và điều quan trọng nhất là việc bạn quá hồi hộp chờ đợi ngày bé ra đời.
- Thai nhi 22 tuần tuổi có một lớp lông tơ, hay còn gọi là lông măng bao phủ xung quanh cơ thể. Nhiệm vụ của nó giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, bảo vệ các tế bào da bề mặt bên ngoài.
- Các cử động của thai nhi 22 tuần tuổi đã mạnh và có chủ đích hơn. Chúng được thực hiện tốt nhờ các dây thần kinh đã kết nối chặt chẽ với nhau thành một khối thống nhất. Nếu thấy bé đạp mạnh ở thời kỳ này, bà bầu có thể yên tâm là tế bào thần kinh của thai nhi đã phát triển tốt.
- Các cử động chủ yếu của thai nhi bao gồm chuyển động, uốn mình, đạp, quẫy… Đây là các động tác tập của bé, nhằm chuyển động thuần thục hơn khi chào đời và giúp hệ xương cơ phát triển. Đôi khi các cử động quá mạnh có thể khiến người mẹ cảm thấy đau vùng bụng.

3. Lời khuyên cho tuần này

- Hãy hỏi ý kiến người hộ sinh hoặc bác sĩ của bạn xem bạn có nên làm kiểm tra sàng lọc glucose để phát hiện bệnh tiểu đường khi mang thai hay không. Việc này thường được tiến hành từ tuần 24-28 của thai kỳ. Bạn sẽ cần phải uống một loại chất dịch rất ngọt, có vị như nước cam và sẽ được lấy máu 1h sau đó. Nếu cơ thể bạn có khả năng sản xuất đủ insulin để xử lý lượng đường tăng vọt, thì mọi việc đều ổn. Nếu không, cần phải có mức sàng cao sâu hơn.
- Giữ một ít nước ép nam việt quất trong tủ lạnh. Nguồn vitamin C dồi dào này còn có tác dụng phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì nó có tính axit cao, nó giúp chống lại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu và nó còn có vị rất ngon.
- Đặt một chiếc ghế gác chân bên dưới bàn làm việc và phía trước chiếc ghế bành yêu thích của bạn. Thả lỏng chân và bàn chân sẽ không giúp gì cho chứng sưng mắt cá chân. Tập thói quen nâng chân khi có thể để tránh tụ máu và sung huyết.
- Trong tuần này hiện tượng chảy máu chân răng hoặc máu cam có thể sẽ làm phiền bạn. Điều này hoàn toàn bình thường trong thai kỳ. Đây là những ảnh hưởng phụ của quá trình thai nghén. Các hormone đẩy mạnh và duy trì sự phát triển của thai nhi đã gây ra điều này. Lượng máu trong cơ thể tăng dần và sự ảnh hưởng của các hormone đối với màng nhầy ở mũi và nướu lợi đã khiến các mao mạch ở mũi, lợi dễ vỡ. Bạn chỉ cần chú ý bổ sung vitamin C trong khẩu phần ăn để làm giảm tình trạng này. Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nha khoa để kiểm tra răng miệng xem có vấn đề nào khác gây ra tình trạng chảy máu hay không.

- Giai đoạn này bé đã có thể nghe thấy tất cả những gì bạn nói, vì thế hãy dành thời gian nói chuyện với bé nhiều hơn, hát hay đọc truyện cho bé nghe. Một số nghiên cứu cho thấy một đứa trẻ mới sinh sẽ trở nên hoạt bát hơn nếu thường xuyên được mẹ đọc sách cho nghe từ lúc còn ở trong bụng. Bạn cũng có thể lựa chọn những bản nhạc cổ điển, xem những gì bạn yêu thích hay đơn thuần chỉ là đọc một số cuốn sách nào đó.
Previous
Next Post »

Bản đồ